Ngày 9/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý, các Sở GDĐT tại nhiều địa phương trong cả nước.
Quang cảnh hội thảo
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng công tác xã hội trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 4 đối tượng chính ở trường học đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Công tác xã hội trường học trở thành cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường nhằm giúp các em có điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất, giải quyết căng thẳng khủng hoảng tinh thần, các dấu hiệu và hành vi tự tử.
Năm 2018, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 33/TT-BGDDT về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, thể hiện sự quan tâm đến việc chỉ đạo tổ chức công tác xã hội trong trường học. Sau ba năm thực hiện, Thông tư 33 đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực, nhận thức của giáo viên, phụ huynh về công tác chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được nâng cao. Các em học sinh đã được trang bị các kỹ năng tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng và năng lực học tập của bản thân. Cùng với đó, các em cũng hiểu được quyền trẻ em, giúp các em tránh được các nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật… Công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và các sở, ban, ngành địa phương, phối hợp giữa nhà trường – gia đình ngày càng phát huy hiệu quả trong giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số đại biểu dự hội thảo, Thông tư 33 mặc dù đã được triển khai đồng bộ nhưng vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tại các địa phương, hiện tại vẫn chưa có biên chế cho nhân viên là công tác xã hội trong các trường học. Do đó, cán bộ làm công tác xã hội ở các trường học chủ yếu là kiêm nhiệm. Cùng với đó, một số địa phương sự phối hợp để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên làm công tác xã hội trong trường học chưa thực sự mang lại hiệu quả; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội chưa thực sự được quan tâm trong giáo dục học sinh…
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao kế hoạch phát triển Công tác xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự thảo kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để phát triển công tác xã hội đối với ngành giáo dục.
Để phát triển công tác xã hội trong giành giáo dục giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, quan trọng nhất là phải xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội tron ngành giáo dục. Cùng với đó, cần phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, rà soát, sắp xếp phân công cá bộ, công chức, viên chức nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục.
Cần có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục. Song song với đó, cần phải đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, nội dung đào tạo công tác xã hội các trình độ giáo dục đại học; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi, nghiên cứu, khảo sát mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học của các nước trong khu vực và thế giới để thúc đẩy phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác xã hội trong trường học.