Tư vấn tâm lý học đường: Nhận diện nguy cơ trước môi trường mới

2 năm sống chung với dịch bệnh, giáo viên và học sinh phải dạy – học trực tuyến trong một thời gian dài,

tu-van-tam-ly-hoc-duong-nhan-dien-nguy-co-truoc-moi-truong-moi
TS Vũ Việt Anh tham gia tư vấn kỹ năng cho học sinh. Ảnh: NVCC

Điều này gây ra nhiều hệ lụy khiến năng lượng bị ngưng trệ; kỹ năng mềm suy giảm. Chưa kịp giải quyết mối lo cũ, theo TS chuyên ngành Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội), thầy và trò lại đối diện với không ít “cú sốc” trong hoạt động giáo dục ở trạng thái bình thường mới.

Nhận diện biến đổi

– Thời đại 4.0 tác động không nhỏ đến môi trường học đường. Thầy cô và học sinh phải thay đổi mục tiêu giáo dục, cách dạy – học truyền thống. Những tác động này ảnh hưởng thế nào đến giáo dục?

– Trước đây, mục tiêu của giáo dục là giúp học sinh làm chủ kiến thức và kỹ năng cơ bản. Nhưng ngày nay, cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi nhiều hơn trong mục tiêu giáo dục, thay vì chỉ công nhận một loại hình thông minh là IQ, thông minh logic thì xã hội hiện đại công nhận thuyết đa trí thông minh. EQ (thông minh cảm xúc), PI (thông minh ứng dụng), SI (thông minh xã hội), AI (thông minh vượt khó)… ngày càng được chú trọng.

Từ đó, mục tiêu giáo dục cần thay đổi để phát triển toàn diện theo tháp năng lực của thế giới. Việc học để hiểu biết, ghi nhớ không còn phù hợp, mà thay vào đó là bốn trụ cột giáo dục do UNESCO khuyến nghị: Học để hiểu biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.

Với những yêu cầu từ thực tiễn, thầy cô và học sinh phải thay đổi để đáp ứng được những đòi hỏi. Đây là áp lực không nhỏ cho hệ thống giáo dục khi phải chuyển mình mạnh mẽ để theo kịp xu thế thế giới.

Chưa kịp thích ứng thì 2 năm đại dịch ập đến như một cú hích lớn để thúc đẩy sự biến đổi trở nên mạnh mẽ hơn. Và bất cứ thay đổi nào cũng để lại hệ quả tất yếu. Có những thầy cô, học sinh bắt nhịp được và phát triển theo chiều hướng tích cực, trở thành giáo viên toàn cầu, học tập không biên giới, nhưng một số lại tụt lại, rơi vào cảm giác vô vọng, trống rỗng, mất phương hướng, thậm chí có thể bị tự kỷ, rối loạn tâm lý, tinh thần tiêu cực…

– Trải qua 2 năm dịch bệnh, học sinh nhiều địa phương phải chuyển sang học tập trực tuyến thời gian dài. Các em có thể gặp phải những nguy cơ tổn thương, khủng hoảng tâm lý nào?

– Khi trẻ phải học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ gây ra sự đơn điệu, nhàm chán, thiếu đi sự đa dạng cuộc sống. Nền nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, trẻ phải ở nhà nhiều hơn, không được ra ngoài, quá tải trong học tập… dẫn tới năng lượng bị ngưng trệ, bức bí.

Ở tuổi phát triển, các em cần vận động, giao lưu, tương tác, thể hiện quan điểm cá nhân, nhưng khi học trực tuyến, các nhu cầu đó gần như bị mất hết, mà thay vào đó là thời gian gò bó, thiếu linh hoạt, bị động, tương tác một chiều… Hệ quả được nhắc đến nhiều khi học sinh học online liên tục là sự suy kiệt trong học tập.

Một số dạng suy kiệt có thể kể đến như: Sự kiệt sức hay sự mệt mỏi cả về thể chất và tâm lý trong học tập (Exhaustion); Suy giảm một cách đáng kể động lực học tập và muốn tránh xa việc học (Cynism); Mất tự tin vào hiệu quả học tập (Reduced Efficacy). Với trạng thái tâm lý này, học sinh rất nhạy cảm với những lời chê bai, góp ý của thầy cô, người lớn.

tu-van-tam-ly-hoc-duong-nhan-dien-nguy-co-truoc-moi-truong-moi
TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội). Ảnh: NVCC

– Sự biến đổi này dẫn tới hệ quả gì với ngành Giáo dục cũng như giáo viên, học sinh về mặt tâm lý khi trở lại với cuộc sống, học tập trong trạng thái bình thường mới?

– Ngành Giáo dục với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1 triệu giáo viên không được đến trường khi đại dịch ập đến, đã làm đảo lộn cuộc sống, kế hoạch đào tạo, phá vỡ mọi quy luật truyền thống.

Việc tiếp thu kiến thức bị gián đoạn, các hoạt động sinh hoạt thông thường bị đình trệ, những nhu cầu cơ bản của con người bị hạn chế, vì vậy ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất, tinh thần; làm cho cả thầy và trò đều mất tương tác, kết nối và áp lực tâm lý đè nặng lên thầy cô, học sinh và thậm chí cả phụ huynh.

Mặc dù, đại dịch đã dần được kiểm soát nhưng thầy cô và học sinh vẫn cần khoảng thời gian để thích nghi. Có hai nhóm phản ứng chính của giáo viên và học sinh để ứng phó với những tác động này. Nhóm 1 sẽ giảm mục tiêu, ước mơ để giảm áp lực, chấp nhận cuộc sống diễn ra dưới mức trung bình, thậm chí chối bỏ, trốn tránh thực tại. Nhóm thứ 2, bắt nhịp được với cuộc sống mới, đáp ứng được đòi hỏi của công việc, cuộc sống và vì vậy họ phát triển vượt bậc. Hệ quả là áp lực cùng trang lứa (Peer Pressure) gia tăng.

Ít quan tâm đến đời sống tinh thần

– Từ sự biến đổi này, ông đánh giá ra sao về vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường giai đoạn tới?

– Tham vấn hay tham vấn tâm lý có tên tiếng Anh là “Couselling”, một hình thức trợ giúp tâm lý phổ biến và có lịch sử lâu đời tại châu Âu (khoảng những năm 40 của thế kỷ XX).

Tại Việt Nam, khái niệm tham vấn vẫn còn khá mới mẻ, ít được sử dụng, song dần được quan tâm trong thời gian gần đây. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, vai trò của tham vấn tâm lý học đường cần chú trọng hơn bao giờ hết.

Mỗi năm có hàng nghìn sự việc đáng tiếc về xung đột học đường gây xôn xao dư luận (nữ sinh đánh nhau, lột đồ của bạn, học sinh tự tử vì áp lực thi cử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, giáo viên xúc phạm và hành hung học sinh, học sinh hành hung giáo viên…). Hầu hết những sự việc này đều có thể hóa giải nếu xử lý sớm và có sự tham vấn tâm lý học đường. Tham vấn tâm lý sẽ giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống, cảm thấy bình tâm, giảm bớt áp lực, mệt mỏi và từ đó học tập hiệu quả hơn, cuộc sống vui vẻ hơn…

– Công tác tư vấn tâm lý trong các trường học đã đáp ứng được yêu cầu xã hội cũng như tâm lý học sinh ngày càng thay đổi hay chưa, thưa ông?

– Dù được triển khai từ năm 2017 nhưng nhiều phòng tham vấn tâm lý học đường tại trường chỉ để trang trí, cho có. Chưa đáp ứng được sự biến đổi không ngừng của cuộc sống, chưa bắt kịp được yêu cầu xã hội.

Lãnh đạo nhiều trường chưa thấy được tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường, vì vậy chưa cử giáo viên chuyên trách; không mời các chuyên gia tâm lý về gỡ rối, tư vấn cho học sinh một cách thường xuyên hoặc định kỳ; không tuyên truyền rộng rãi cho phụ huynh, học sinh về phòng tham vấn tâm lý của nhà trường… Từ đó, dẫn tới hiệu quả tham vấn tâm lý học đường chưa cao, tình trạng học sinh thiếu định hướng, chán nản, thậm chí bỏ học còn phổ biến; đạo đức, ứng xử xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến tương lai của học sinh và đến sự phát triển của xã hội.

tu-van-tam-ly-hoc-duong-nhan-dien-nguy-co-truoc-moi-truong-moi
Theo TS Vũ Việt Anh, hệ quả được nhắc đến nhiều khi học sinh học online liên tục là sự suy kiệt trong học tập. Ảnh minh họa: IT

Thay đổi nhận thức

– Vậy theo ông, công tác tư vấn tâm lý học đường cần đổi mới ra sao để có thể vừa giáo dục kỹ năng sống vừa tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho học trò?

– Để công tác tham vấn tâm lý học đường hiệu quả, đầu tiên cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo nhà trường. Thay vì chỉ tập trung vào thành tích học tập, ban giám hiệu cần xây dựng môi trường để học sinh được phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực… thông qua hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ sở thích, cuộc thi về văn hóa văn nghệ, thể thao, khoa học… Qua đó, các em được phát huy năng lực sẵn có, đánh thức được năng lực tiềm ẩn, từ đó phát triển vượt trội. Những chương trình dã ngoại, trải nghiệm, giao lưu với chuyên gia tâm lý cũng là dịp để định hướng tính cách, nghề nghiệp… vô cùng cần thiết.

Mặt khác, cần có cán bộ chuyên trách phụ trách phòng tham vấn tâm lý học đường; xây dựng các chương trình hoạt động hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia. Khi tinh thần, thái độ sống tốt chắc chắn kết quả học tập sẽ khởi sắc.

– Các địa phương, nhà trường cần lưu ý điều gì để nâng cao chất lượng công tác tâm lý học đường sau 2 năm học trò bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và thời gian tới?

– Những thống kê khoa học, xã hội học cho thấy, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý sau 2 năm bùng dịch Covid-19; không ít học sinh gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm, tự tử…

Điều này gióng lên hồi chuông báo động về việc cần nâng cao đời sống tinh thần cho học sinh. Để làm tốt điều này, bắt đầu từ nâng tầm đội ngũ giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý học đường. Cần có quy chế rõ ràng, đãi ngộ phù hợp để giúp giáo viên an tâm với công việc, tập trung nâng cao trình độ, gắn bó lâu dài… giúp việc tư vấn tâm lý học đường nâng cao, sát thực với yêu cầu xã hội. Học sinh nhanh chóng hòa nhập khi quay trở lại trường trong bình thường mới.

Các sở GD&ĐT phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm lý học đường…

UBND các tỉnh cần chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy đinh; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động.

Đặc biệt, cần xem xét, bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho cơ sở giáo dục; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại cơ sở giáo dục…

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý học sinh vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể: Công tác chỉ đạo triển khai tại nhiều địa phương chưa được quan tâm, chú trọng; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để thực hiện tư vấn tâm lý học sinh thiếu chặt chẽ, đồng bộ…

Nguồn: Giáo dục & Thời đại