[Lâm Đồng] Hoạt động công tác xã hội trường học trên địa bàn tỉnh

Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về  việc hướng dẫn công tác xã hội trong trường học (TT 33), Thông tư chú trọng hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân; bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật.

Để triển khai Thông tư  tại các cơ sở giáo dục tỉnh Lâm Đồng, Sở GDĐT ban hành Công văn hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học tới Phòng GDĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc. Trong 5 năm triển khai, công tác xã hội trường học ở Lâm Đồng đạt được một số thành quả nhất định nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Trong khuôn khổ của Hội thảo này, chúng tôi  mạnh dạn chia sẻ về hoạt động công tác xã hội trường học tại địa bàn tỉnh Lâm đồng.

lam-dong-hoat-dong-cong-tac-xa-hoi-truong-hoc-tren-dia-ban-tinh

1. Thực trạng việc triển khai công tác xã hội trường học ở Lâm Đồng

Về phía UBND tỉnh Lâm Đồng:

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 -2030 đã xây dựng Kế hoạch số 6282/KH-UBND ngày 01/9/2021 về việc thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong kế hoạch UBND tỉnh đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn (2021 -2025; 2026 – 2030) và giao nhiệm vụ cụ thể đối với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện hiệu quả Kế hoạch; trong Kế hoạch Sở GDĐT được phân công tham mưu cấp có thẩm quyền và phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện công tác xã hội trong trường học theo TT 33.

Về phía Sở Giáo dục Đào tạo:

Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ GDĐT về thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 -2030, Sở GDĐT xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trong trường học giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hằng năm Sở GDĐT lồng ghép việc thực hiện công tác xã hội trường học trong các công văn Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, Hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học.

Về phía các cơ sở giáo dục:

Đến nay, 100% các trường đã triển khai công tác xã hội trong trường, trong đó 95% các trường thành lập tổ ghép “Tổ công tác xã hội trường học và Tư vấn tâm lý”; các thành viên của Tổ Công tác xã hội trường học và Tư vấn tâm lý bao gồm đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn TNCSHCM, giáo viên chủ nhiệm… Đồng thời, các nhà trường đều bố trí Phòng tư vấn tâm lý là nơi gặp gỡ, hỗ trợ và tư vấn cho học sinh có nhu cầu tư vấn các vấn đề về tâm lý, do đó việc thực hiện công tác này tương đối đồng bộ và hiệu quả.

2. Những khó khăn trong quá trình triển khai công tác xã hội trong trường học tại tỉnh Lâm Đồng

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học của đội ngũ các bộ quản lý, giáo viên ở một số đơn vị trường học chưa cao; giáo viên phụ trách công tác xã hội trường học hiện tại phần lớn là những giáo viên thiếu tiết được phân công kiêm nhiệm; giáo viên không có chuyên môn sâu về công tác xã hội và công tác tư vấn tâm lý; một số giáo viên thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, đặc biệt là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt.

Sự phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh ở những trường vùng sâu, vùng xa nhằm phát hiện tình trạng học sinh có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị bạo lực, vi phạm pháp luật) để can thiệp, trợ giúp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường có học sinh là người đồng bào chiếm đa số.

Thông tư 33 của Bộ GDĐT không quy định rõ thành phần và vị trí việc làm, dẫn đến việc triển khai công tác xã hội trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tính chế độ cho người làm đầu mối công tác xã hội.

3. Đề xuất một số giải pháp thực hiện công tác xã hội trường học trong thời gian tới

  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các cấp, ngành trên địa bàn, tổ chức đoàn thể trong nhà trường về việc thực hiện công tác xã hội trường học.
  • Chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về công tác xã hội cho đội ngũ giáo viên cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác xã hội trong trường học.
  • Các nhà trường luôn chủ động xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh, bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, trong các hoạt động trải nghiệm. Tổ chức dạy tích hợp các nội dunbg tư vấn tâm lý trong các môn học chính khóa và các hoiạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp…
  • Nhà trường phải thiết lập những kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh.
  • Các trường chú trọng việc rà soát số học sinh cần can thiệp và trợ giúp làm căn cứ cho việc phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp các cá nhân, tổ chức trong nước có kế hoạch trợ gúp, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, hòa nhập môi trường giáo dục để không học sinh nào phải bỏ lại phía sau. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia, trung tâm tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, cơ sở y tế, cơ quan tư pháp và bảo vệ pháp luật để trị liệu tâm lý, xử lý kịp thời các trường hợp học sinh cần can thiệp chuyên sâu.

Tóm lại, công tác xã hội trường học đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giáo dục ở các trường học, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách cho học sinh. Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác này sẽ  tạo nên một môi trường học tập thân thiện, an toàn, lành mạnh hướng tới xây dựng thành công mô hình “trường học hạnh phúc” trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Nguồn: Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng