Tổng Quan Về Rối Loạn Lo Âu

Rối Loạn Lo Âu Là Gì?

Rối loạn lo âu xảy ra khi sự lo lắng bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và các mối quan hệ bạn bè, gia đình, cơ quan hoặc trường học của một người. Thay vì cảm thấy lo lắng khi đối mặt với mối nguy hiểm thực sự, người mắc rối loạn lo âu sẽ gặp các triệu chứng tương tự trong những tình huống mà họ cho là nguy hiểm (Ví dụ: Khi gặp người mới quen hoặc khi tham gia giao thông).

Lo lắng là trạng thái bình thường trong nhiều trường hợp. Một người có thể cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn khi gặp một sự cố trong công việc, tham gia một buổi phỏng vấn, chuẩn bị cho một kỳ thi, hay trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Lo âu ở mức độ phù hợp có thể đem lại nhiều lợi ích. Ví dụ, sự lo âu có thể giúp ta nhận diện tình huống nguy hiểm và tập trung giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, khi lo âu ở mức độ bệnh lý, mọi thứ không chỉ dừng lại ở những nỗi sợ thoáng qua. Rối loạn lo âu có thể được nhận biết qua việc các triệu chứng diễn ra trong thời gian đủ dài bắt đầu ảnh hưởng tới các chức năng hoạt động hàng ngày của bạn, khiến bạn phản ứng thái quá trước những sự vật, sự việc kích thích cảm xúc của bạn, và bạn không thể kiểm soát phản ứng của mình trong nhiều trường hợp.

Rối loạn lo âu được cho là rối loạn tâm lý có tỉ lệ đồng bệnh cao: đồng bệnh giữa các dạng lo âu khác nhau và đồng bệnh với các rối loạn tâm lý khác (trầm cảm). Rối loạn lo âu cũng đồng bệnh với các bệnh thực thể, có tỉ lệ đồng bệnh cao với rối loạn tuyến giáp, bệnh hô hấp, bệnh tiêu hóa, bệnh đau nửa đầu migraine, dị ứng, v.v. Ai cũng có khả năng gặp rối loạn lo âu trong một giai đoạn nào đó trong đời. Tuy nhiên, đây là một rối loạn có thể điều trị và phòng ngừa khi có đủ hiểu biết và nguồn lực hỗ trợ phù hợp.

Một Số Loại Rối Loạn Lo Âu Phổ Biến

Rối Loạn Lo Âu Lan Tỏa (Generalized Anxiety Disorder)

Người mắc rối loạn lo âu lan tỏa có những lo lắng dai dẳng và quá mức gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Sự lo lắng và căng thẳng liên tục này có thể đi kèm với các triệu chứng thực thể, chẳng hạn như bồn chồn, cảm giác khó chịu hoặc dễ mệt mỏi, căng cơ, khó tập trung trong công việc, hoặc khó vào giấc ngủ. Những lo lắng thường tập trung vào những việc hàng ngày như trách nhiệm công việc, sức khỏe gia đình hay những vấn đề nhỏ nhặt như dọn nhà, sửa xe hoặc sắp xếp các cuộc hẹn.

Rối Loạn Hoảng Sợ (Panic Disorder)

Triệu chứng cơ bản của rối loạn hoảng sợ là những cơn hoảng loạn liên tục tái diễn, cùng các biểu hiện kết hợp giữa căng thẳng, phiền muộn về thể chất lẫn tinh thần. Trong một cơn hoảng loạn, một số triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc như:

  • Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Run sợ
  • Cảm giác khó thở, ngột ngạt
  • Đau ngực
  • Cảm giác chóng mặt, choáng váng
  • Cảm giác nghẹn ở cổ
  • Cảm giác tê, kiến bò trên cơ thể
  • Cảm giác ớn lạnh hoặc bốc hỏa
  • Buồn nôn, đau bụng
  • Cảm thấy tách rời (detached) khỏi môi trường xung quanh
  • Sợ mất kiểm soát
  • Sợ chết

Các cơn hoảng loạn có thể được dự đoán từ trước, qua việc phản ứng với một vật hay sự việc gây sợ hãi, hoặc xảy đến bất ngờ, không có lý do rõ rệt. Độ tuổi trung bình khởi phát chứng rối loạn hoảng sợ là 20-24. Các cơn hoảng loạn có thể xảy ra cùng với các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Các Chứng Ám Ảnh Sợ Hãi Đặc Hiệu (Specific Phobias)

Chứng ám ảnh sợ hãi đặc hiệu (specific phobia) là nỗi sợ hãi quá mức và dai dẳng về một đối tượng, một bối cảnh, hay một hoạt động mà nhìn chung không có hại. Người mắc chứng sợ hãi đặc hiệu ý thức được nỗi sợ của họ có phần quá mức, nhưng họ không thể vượt qua nỗi sợ đó. Cảm giác sợ hãi này có thể gây ra những phiền muộn, khiến cho người mắc thường cố gắng hết sức để tránh xa những gì làm họ sợ. Một số ví dụ về các chứng sợ hãi đặc hiệu bao gồm sợ máu, sợ nhện, hay sợ độ cao.

Rối Loạn Lo Âu Xã Hội (Social Anxiety Disorder)

Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội có sự lo lắng và khó chịu đáng kể về việc cảm giác xấu hổ, bị sỉ nhục, bị từ chối, hoặc bị coi thường trong các tình huống tương tác xã hội. Người mắc thường sẽ cố gắng tránh những tình huống xã hội, hoặc chịu đựng chúng với sự lo lắng tột độ. Một số ví dụ phổ biến như là cực kỳ sợ hãi khi nói trước đám đông, khi gặp gỡ người mới hoặc khi ăn uống ở nơi công cộng.

Rối Loạn Lo Âu Chia Ly 

Người mắc rối loạn lo âu chia ly thường sợ hãi hoặc lo lắng quá mức về việc phải xa cách những người mà họ gắn bó. Cảm giác này vượt quá mức phù hợp với độ tuổi của người đó, kéo dài (ít nhất bốn tuần ở trẻ em và sáu tháng ở người lớn), và gây ra các vấn đề về chức năng trong sinh hoạt thường ngày. Người mắc có thể thường xuyên lo lắng về việc mất đi người thân thiết nhất với mình, có thể miễn cưỡng hoặc từ chối ra ngoài hoặc ngủ xa nhà hoặc không có người đó, hoặc có thể gặp ác mộng về sự chia ly. Các triệu chứng đau khổ về thể chất thường phát triển ở thời thơ ấu, nhưng các triệu chứng này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Chứng Câm Chọn Lọc (Selective Mutism)

Trẻ mắc chứng câm chọn lọc không nói trong một số tình huống xã hội mà chúng cần lên tiếng, chẳng hạn như ở trường, mặc dù chúng có thể nói trong những tình huống khác. Trẻ mắc chứng câm chọn lọc sẽ nói chuyện với người thân trong gia đình, nhưng thường sẽ không nói trước mặt người khác, dù đó có thể là bạn bè thân thiết hay một người họ hàng gần gũi. Nhiều trẻ mắc chứng câm chọn lọc cũng trải qua sự nhút nhát quá mức, sợ xấu hổ trước xã hội và lo lắng xã hội cao độ. Tuy nhiên, trẻ thường có kỹ năng ngôn ngữ bình thường. Chứng câm chọn lọc thường bắt đầu trước 5 tuổi, có thể không được chẩn đoán chính xác cho đến khi trẻ đi học. Nhiều trẻ có thể tự vượt qua chứng câm chọn lọc khi chúng lớn lên.

Triệu Chứng

Khi nghi ngờ gặp rối loạn lo âu, bạn có thể ghi nhận một số dấu hiệu như:

  • Lo lắng quá mức: Lo lắng thái quá về các sự kiện, tình huống thường ngày. Nỗi lo lắng khiến bạn khó tập trung và ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Nếu triệu chứng kéo dài liên tục trong 06 tháng, nhà tâm lý có thể đưa ra chẩn đoán bạn gặp rối loạn lo âu lan tỏa.
  • Cảm thấy bị kích động: Biểu hiện qua các triệu chứng như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy tay chân, hay khô miệng. Cho dù đây có thể là những phản ứng có lợi trong các trường hợp nguy hiểm, khẩn cấp, các triệu chứng có thể khiến người mắc rối loạn lo âu cảm thấy cạn kiệt năng lượng khi các nỗi lo luôn thường trực và kéo dài.
  • Bồn chồn: Dù không xảy ra ở tất cả những người mắc rối loạn lo âu, nhưng bồn chồn hay cảm giác đứng ngồi không yên là một dấu hiệu mà các bác sĩ, nhà tâm lý thường hỏi khi chẩn đoán.
  • Khó tập trung: Một nghiên cứu trên 175 người trưởng thành mắc chứng rối loạn lo âu lan toả cho thấy gần 90% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tập trung. Sự lo lắng có thể ảnh hưởng tới trí nhớ ngắn hạn, từ đó làm giảm hiệu suất trong công việc.

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn lo âu, hãy tìm gặp nhà tâm lý để có kết luận chính xác.

Nguyên Nhân & Một Số Các Yếu Tố Nguy Cơ

Giống như nhiều rối loạn tâm lý khác, một người gặp rối loạn lo âu không phải vì họ là những người yếu đuối, tính cách có “vấn đề”, hay là kết quả từ một phương pháp giáo dục. Nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu thường không đến từ một yếu tố mà là sự kết hợp của các yếu tố như:

  • Sự mất cân bằng hóa học: Căng thẳng nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể thay đổi sự cân bằng hóa học trong cơ thể, đóng vai trò trong việc kiểm soát tâm trạng. Trải qua nhiều căng thẳng trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn lo âu.
  • Các yếu tố ngoại cảnh: Sang chấn tâm lý có thể gây ra rối loạn lo âu, đặc biệt ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Di truyền: Một số người có nguy cơ gặp rối loạn lo âu cao khi bố hoặc mẹ của họ gặp rối loạn lo âu. Giống như màu tóc hay màu da, rối loạn lo âu có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái.

Chẩn Đoán & Các Phương Pháp Can Thiệp Rối Loạn Lo Âu

Để chẩn đoán một người nghi ngờ gặp rối loạn lo âu, nhà tâm lý sẽ gặp gỡ, trao đổi, và cho thân chủ làm một số bài kiểm tra, đánh giá theo thang đo mức độ lo âu. Dựa vào kết quả, nhà tâm lý có thể đưa ra kết luận chính xác về việc thân chủ có gặp rối loạn lo âu hay không.

Một số triệu chứng thể lý có thể cần các xét nghiệm khác được thực hiện bởi bác sỹ, nhằm loại trừ các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể góp phần gây ra các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.

Các phương pháp can thiệp cho rối loạn lo âu có thể được chia làm 03 loại:

  • Trị liệu tâm lý: Nhà tâm lý có thể thực hành các liệu pháp như liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), liệu pháp chấp nhận & cam kết (ACT),…
  • Các kỹ thuật chăm sóc bổ sung: Chánh niệm, yoga, hay kỹ năng quản lý stress là một số phương pháp bổ sung/thay thế trong việc điều trị rối loạn lo âu.
  • Trị liệu dùng thuốc: Không loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm hay phòng ngừa rối loạn lo âu. Tuy nhiên, các bác sỹ có thể kê một số loại thuốc chống lo âu hay chống trầm cảm nhằm cải thiện các triệu chứng và giúp thân chủ sinh hoạt tốt trở lại.

Phòng Ngừa Rối Loạn Lo Âu

Ở Trẻ Em Dưới 18 Tuổi

Chúng ta có thể chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho sự phát triển của rối loạn lo âu ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, một số cách tiếp cận có thể giúp ngăn ngừa rối loạn ở trẻ như là các chương trình phòng ngừa chống tự tử, chống bạo lực học đường, chống ngược đãi trẻ em, và một số chương trình nâng cao ý thức về sức khỏe tâm thần khác.

Ở Người Lớn

Một số cách để ngăn ngừa các triệu chứng lo âu và nguy cơ gặp rối loạn lo âu như là:

  • Học các quản lý căng thẳng và chánh niệm để ngăn ngừa tình trạng căng thẳng kéo dài.
  • Hạn chế caffeine, khi caffeine có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng lo âu.
  • Có những người bạn và nhóm hỗ trợ đáng tin cậy giúp bạn có không gian để chia sẻ và học hỏi các chiến lược đối phó với lo âu hiệu quả hơn.
  • Trò chuyện với nhà tâm lý có thể giúp bạn có những cách đối phó với nỗi sợ và hiểu về những căng thẳng đã khiến bạn lo âu.
  • Trao đổi với bác sỹ về đơn thuốc của bạn, giúp bạn đảm bảo việc các vấn đề sức khỏe của bạn đang được điều trị đúng hướng với liều lượng và hiệu quả tích cực, cũng như ý thức về một số tác dụng phụ có thể liên quan tới các triệu chứng lo âu.

Tham khảo:

[1] What is anxiety? nimh.nih.gov

[2] What are Anxiety Disorders? American Psychiatric Association.

[3] anxiety disorder. APA Dictionary of Psychology.

[4] Anxiety Disorders. Cleveland Clinic.

[5] Everything You Need to Know About Anxiety. healthline.com 

[6] Đặng Hoàng Minh (Chủ biên), Hồ Thu Hà, Bahr Weiss. Tâm bệnh học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.