Trầm cảm là gì? Vì sao mỗi người chúng ta cần quan tâm hơn đối với các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm ở người thân, bạn bè và ở chính bản thân mình. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về trầm cảm cũng như nắm bắt các dấu hiệu, triệu chứng, và các thông tin liên quan đến việc điều trị bệnh trầm cảm.
Trầm Cảm Là Gì?
Trầm cảm (rối loạn trầm cảm chính, hoặc tên tiếng anh là Major Depressive Disorder, hoặc viết tắt là MDD) là một căn bệnh phổ biến và có ảnh hưởng đến người bệnh, gây ra các cảm giác, suy nghĩ và hành động tiêu cực. May mắn thay, trầm cảm là bệnh có thể điều trị được. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã và/hoặc mất hứng thú với các hoạt động mà người bệnh từng yêu thích. Căn bệnh này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về cảm xúc, thể chất và có thể làm giảm khả năng hoạt động của người bệnh trong các môi trường khác nhau không chỉ tại nơi làm việc mà còn ngay tại nhà.
Dấu Hiệu & Triệu Chứng Cơ Bản
Các dấu hiệu bệnh trầm cảm ở nữ và nam cũng như các triệu chứng có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm:
- Cảm giác buồn bã hoặc cảm thấy chán nản không muốn làm gì cả
- Cảm giác mất hứng thú, hoặc không còn cảm thấy vui khi tham gia các hoạt động mà bản thân từng được yêu thích
- Khẩu vị bị thay đổi, có thể tăng hoặc giảm cân mà không có bất kỳ liên quan nào đối với chế độ ăn kiêng
- Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Mất năng lượng hoặc tăng mệt mỏi
- Tăng hoạt động thể chất không có mục đích (ví dụ: không thể ngồi yên, đi đi lại lại, vặn vẹo tay) hoặc cử động hoặc nói chậm (tuy nhiên, những hành động này cần phải đủ tính chất nghiêm trọng thông qua quan sát thông thường)
- Cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc cảm giác tội lỗi về điều gì đó
- Khó tập trung và suy nghĩ về bất cứ vấn đề nào cũng như khó đưa ra quyết định
- Có những suy nghĩ tiêu cực, liên quan đến cái chết và tự tử
- Các triệu chứng phải kéo dài ít nhất hai tuần và phải thể hiện sự thay đổi về mức độ hoạt động trước đó của bạn để chẩn đoán trầm cảm.
Ngoài ra, các tình trạng y tế (ví dụ: các vấn đề về tuyến giáp, khối u não hoặc thiếu vitamin) có thể khá giống với dấu hiệu bị trầm cảm ở phụ nữ và đàn ông, vì vậy điều quan trọng là phải loại trừ các nguyên nhân y tế tổng quát.
Các Yếu Tố Rủi Ro Của Bệnh
Trầm cảm ảnh hưởng đến khoảng 1/15 người trưởng thành (6,7%) trong bất kỳ năm nào. Theo ước tính, trong sáu người thì sẽ có một người (16,6%) mắc trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời họ. Điều đó cho thấy chúng ta có thể mắc trầm cảm bất cứ lúc nào. Và một con số nữa gắn với trầm cảm là trung bình, thời điểm rối loạn tâm lý này lần đầu tiên xuất hiện là vào giai đoạn cuối của thời kỳ thanh thiếu niên đến giữa giai đoạn giữa của độ tuổi 20. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nam giới với 1/3 phụ nữ sẽ có thể mắc trầm cảm trong đời. Khả năng di truyền cao (khoảng 40%) khi người thân cấp một (cha mẹ/con cái/anh chị em ruột) bị trầm cảm.
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai—ngay cả một người dường như sống trong những hoàn cảnh tương đối lý tưởng.
Các yếu tố đã được nghiên cứu rằng có thể góp phần gây ra rối loạn trầm cảm, gồm:
- Sinh hóa cơ thể: Sự khác biệt về một số chất hóa học trong não có thể góp phần gây ra các triệu chứng trầm cảm.
- Di truyền học: Trầm cảm có thể di truyền trong gia đình. Ví dụ, nếu một người sinh đôi giống hệt nhau bị trầm cảm, thì người kia có 70% khả năng mắc bệnh vào một lúc nào đó trong đời.
- Tính cách: Những người có lòng tự trọng thấp, dễ bị căng thẳng lấn át hoặc nói chung là bi quan có vẻ dễ bị trầm cảm hơn.
- Các yếu tố môi trường: Liên tục phải đối mặt với bạo lực, bỏ bê, lạm dụng hoặc nghèo đói có thể khiến một số người dễ bị trầm cảm hơn.
Self-Help và Ứng Phó
Self-help và các cách ứng phó có thể giúp giảm các triệu chứng trầm cảm, trong đó, việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp tạo cảm giác tích cực cũng như cải thiện tâm trạng của mỗi người, không chỉ đối với người mắc trầm cảm. Trong quá trình điều trị cũng như phòng tránh trầm cảm, việc ngủ đủ giấc thường xuyên, ăn uống lành mạnh và tránh uống rượu cũng là những biện pháp hữu ích.
Trầm cảm là một căn bệnh có thực và người mắc bệnh luôn cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, nó không phải là bệnh không thể chữa. Với lộ trình điều trị thích hợp, hầu hết người mắc trầm cảm đều có thể khỏi bệnh và quay lại cuộc sống đời thường. Nếu bạn đang có các triệu chứng trầm cảm, bước đầu tiên là đến gặp các chuyên gia tâm lý, nhà trị liệu tâm lý để chẩn đoán bệnh. Đây là bước khởi đầu để sớm phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm.
Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về Trầm Cảm
Trầm Cảm Khác Gì So Với Buồn Bã Thông Thường?
Người thân qua đời, mất việc làm hoặc tan vỡ trong mối quan hệ là những trải nghiệm khó khăn đối với bất kỳ ai. Cảm giác buồn bã hoặc đau buồn xuất hiện như một cách để đối phó với những tình huống như vậy và nó là điều bình thường.
Nhưng buồn thông thường khác hoàn toàn so với bị trầm cảm mặc dù quá trình đau buồn có thể có một số đặc điểm giống với bệnh trầm cảm, điển hình như nỗi buồn sâu sắc và cảm giác rút lui khỏi các hoạt động thông thường.
Đối với điểm khác nhau:
- Thứ nhất, cảm giác buồn bã, đau đớn ập đến từng đợt, thường xen lẫn với những ký ức tích cực về người đã khuất. Đối với bệnh trầm cảm, tâm trạng và/hoặc sự quan tâm (niềm vui) giảm trong hai tuần liên tục.
- Thứ hai, kể cả khi buồn bã, đau đớn, lòng tự trọng thường được duy trì. nhưng khi mắc trầm cảm, lòng tự trọng lại đặc biệt thấp khiến người bệnh có cảm giác vô dụng và ghê tởm bản thân.
- Thứ ba, những ý nghĩ về cái chết có thể xuất hiện khi nghĩ đến việc được đoàn tụ cùng người thân yêu đã khuất. Còn khi mắc trầm cảm, những suy nghĩ về cái chết là do cảm thấy vô giá trị hoặc không đáng sống hoặc không thể đối phó với nỗi đau trầm cảm.
Việc phân biệt giữa nỗi buồn và đau đớn thông thường với trầm cảm là rất quan trọng bởi nó có thể giúp mọi người nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ hoặc điều trị mà họ thực sự cần.
Có Thực Sự Có Loại Trầm Cảm Không Có Biểu Hiện Buồn?
Có. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng trầm cảm cũng có thể không có biểu hiện buồn.
Vì Sao Nên Gặp Các Chuyên Gia Tâm Lý Chữa Bệnh Trầm Cảm?
Để điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả, điều quan trọng là cần phát hiện sớm thông qua chẩn đoán chính xác từ các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm. Sau đó, người bệnh sẽ có lộ trình điều trị kết hợp thuốc hoặc điều trị trầm cảm không dùng thuốc bằng liệu pháp tâm lý để có thể sớm quay trở lại cuộc sống thường nhật.
Ngoài ra, hãy cẩn trọng với những diễn biến hoặc thông tin trên mạng xã hội khiến cho bạn có những chẩn đoán sai về bệnh tình của bản thân. Hiện tượng “tự chẩn đoán” có thể mang tới những rủi ro không đáng có. Hãy liên hệ với các chuyên gia tâm lý để có được quy trình chẩn đoán và phát hiện bệnh khoa học, điều trị hiệu quả và phù hợp.
Nguồn: APA – What Is Depression?