17 năm công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô Trần Thị Thúy Hồng chưa bao giờ nguôi ngoai tình yêu nghề.
Cô Hồng cùng học trò trong giờ học.
Được dạy dỗ, gần gũi những học trò kém may mắn là cơ duyên để cô đồng hành cùng các em vượt lên chính mình.
Tình cờ… nên duyên
Cô Hồng cho biết, từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cô luôn mơ ước được làm cô giáo. Yêu nghề, mến trẻ là động lực giúp cô theo đuổi đam mê suốt 4 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học. Dù biết dạy học trò đặc biệt rất khó khăn nhưng cô vẫn quyết tâm theo nghề.
Giai đoạn sinh viên, cô cùng các bạn đi thiện nguyện tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng. Nhìn các em ngây thơ, yêu đời và nỗ lực hết mình học tập từng con chữ cô rất ấn tượng và mong muốn được về trường công tác.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2006, cô Hồng đã chọn nơi theo đuổi đam mê nghề giáo tại chính ngôi trường này. Đến nay, sau gần 20 năm công tác, cô vẫn không nguôi nhiệt huyết, tình yêu với nghề và nguyện gắn bó cả cuộc đời với học trò nơi đây giúp các em khỏa lấp những thiệt thòi trong cuộc sống.
Năm học 2023 – 2024, cô Hồng được phân công là chủ nhiệm lớp 1B, với 10 học sinh. Các em đang học năm thứ 2 của lớp 1. Đây là lớp học sinh khiếm thị hoàn toàn với nhiều độ tuổi, dạng tật khác nhau.
Trước khi vào trường, các em không được học qua trường mầm non, thụ hưởng phương pháp giáo dục như những trẻ em khác mà phần lớn các em ở nhà với bố mẹ.
Thậm chí nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, các em không được chăm lo chu đáo. Trẻ không được tương tác, cô lập trong cuộc sống. Trò không có nền tảng nên thầy cô càng vất vả hơn trong các biện pháp giáo dục. Đó là lý do khi vào trường các em phải học 2 năm lớp 1. Năm đầu tiên của lớp 1, thầy cô dạy các em nền nếp, vệ sinh cá nhân, nhận biết các dạng hình.
“Học sinh khiếm thị nội trú tại trường. Có con được bố mẹ đón về mỗi tuần 1 lần, hoặc 1 tháng một lần nhưng cũng có phụ huynh hoàn cảnh ở xa vài tháng mới đón con về 1 lần. Vì thế, để làm quen với môi trường mới trước khi học chữ, thầy cô dạy trò kĩ năng nhận biết và tự phục vụ.
Dạy được các con có kĩ năng cơ bản như tự phục vụ, đi vệ sinh đúng cách, tìm đúng phòng ăn, giường ngủ cũng phải mất thời gian dài. Nếu không có năm đầu tiền tiểu học như vậy, các cô không thể dạy chữ cho trò hiệu quả được”, cô Hồng cho biết.
Bước sang năm thứ 2 của lớp 1, học sinh được cô dạy các chấm nổi, học nhớ, sờ, cảm nhận. Cô Hồng cho rằng, em nào học nhanh thì một học kỳ sẽ hoàn thành kiến thức nền tảng, còn chậm thì mất cả năm.
Cô Hồng chia sẻ, đến nay chưa có tài liệu giáo dục tiểu học cho trẻ khiếm thị trên sách nổi, vì thế nhà trường tự chuyển đổi sách phù hợp với học sinh. Lớp có 10 học sinh, nhưng có em đi học tiểu học đúng tuổi, có em 10 tuổi, thậm chí 13 tuổi mới đến trường. Độ tuổi chênh lệch khiến nhận thức của trò cũng không đồng đều.
Hơn nữa, trong lớp có em mù hoàn toàn, có em đa tật. Vì thế, để dạy trò, cô Hồng phải chia nhóm, tăng cường giáo dục cá nhân cho từng em. Mỗi học sinh có hồ sơ giáo dục cá nhân để đảm bảo các phương pháp giáo dục phù hợp.
“Trẻ em khiếm thị nếu khuyết tật trí tuệ thì các em không thiên về hành vi, mà thiên về nhận thức. Vì thế, học sinh khiếm thị mà khuyết tật trí tuệ thì sẽ nhận thức kém. Nếu không có giáo trình riêng các em không thể theo kịp các bạn”, cô Hồng cho hay.
Yêu trò như con
Cô Hồng tranh thủ ngoài giờ lên lớp đến từng phòng dạy các em học bài. Thậm chí, có khi học sinh ốm đau, cô lại đến chăm sóc tận tình. Vậy nên, các em coi cô như người mẹ hiền thứ 2. Cô Hồng cho hay, với trẻ khiếm thị, một lớp 10 học sinh là khá đông, thầy cô vất vả hơn rất nhiều. Theo kinh nghiệm công tác, cô Hồng cho rằng mỗi lớp nên duy trì sĩ số dưới 10 học sinh. Số lượng học sinh ít, thầy cô có thêm thời gian quan tâm đến những em nặng và trẻ đa tật.
“Trẻ em có quyền được sống, quyền học tập, vui chơi và xứng đáng được âu yếm, vỗ về. Vì thế, khi tiếp nhận học sinh tôi thấy rất thương. Ánh mắt các con non nớt, cử chỉ còn ngô nghê nhưng lại đáng yêu vô cùng. Nghĩ về tương lai của các con, dù khó khăn đến mấy tôi vẫn cố gắng khắc phục”, cô Hồng tâm sự.
Ở trường các em được gặp thầy, gặp bạn, được hưởng cách giáo dục khoa học từ thầy cô. Có em ngày mới vào trường còn chưa biết cách vệ sinh cá nhân, đánh răng chưa sạch… những lúc như vậy cô và đồng nghiệp lại kiên trì cầm tay dạy các trò từng bước. Khi trò đi vào nền nếp, cô bắt đầu dạy chữ. Qua thời gian, các em biết đọc, biết làm toán. Nhận thức của trò tiến bộ, cô Hồng rất vui.
Cô Hồng kể rằng, từng ấy năm “chèo đò”, chứng kiến lớp lớp học sinh ra trường cô hạnh phúc vô cùng. Các em kết giao với nhiều bạn rồi có nghề nghiệp ổn định, nuôi sống được bản thân, gia đình. Mỗi lần gặp lại trò cũ, cô rất thích nghe những câu chuyện về đời sống, nghề nghiệp và hạnh phúc gia đình của các em. Đó như liều thuốc bổ tinh thần tiếp thêm nhiệt huyết cống hiến cho cô Hồng gắn bó với sự nghiệp trồng người ở một nơi gian khó.
Bằng tình yêu và chuyên môn vững vàng, cô Hồng được lãnh đạo nhà trường và ngành Giáo dục luôn ghi nhận, nhiều lần đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Thầy giáo Phạm Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng cho hay, cô Hồng là giáo viên giỏi và có tâm với nghề. Cô thương yêu học sinh và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ phụ huynh. Với tính cách cẩn thận, tỉ mỉ, cô Hồng luôn chỉn chu trong cách chăm sóc, giáo dục trò, đồng thời quan tâm từng học sinh không chỉ trong cách rèn dạy, mà còn tự tay chọn mua quần áo, giày dép cho các con.
Chia sẻ về hoạt động giáo dục tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, thầy Phạm Văn Hưng cho hay, cùng với các trường chuyên biệt khác trong cả nước, nhà trường còn nhiều khó khăn về đặc thù chuyên môn. Tuy vậy, trường tự hào có đội ngũ thầy cô yêu nghề, mến trẻ, giàu nhiệt huyết gắn bó. Trong đó, cô Hồng là cử nhân Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quá trình công tác cô đạt được nhiều thành tích cao, được phụ huynh tin yêu.