Những năm qua, ngành giáo dục Tuyên Quang luôn quan tâm đến trẻ hòa nhập, giúp các em xóa bỏ mặc cảm để tự tin hòa nhập cộng đồng.
Ngành giáo dục Tuyên Quang luôn quan tâm đến trẻ hòa nhập.
Giúp trẻ tự tin hòa nhập
Hiện nay, việc học hòa nhập giúp các em khiếm khuyết có cơ hội được trau dồi kiến thức và tương tác với các học sinh trong lớp, từ đó trẻ có thể phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Tại lớp 8A trường THCS Ỷ La (phường Ỷ La, TP Tuyên Quang), cô Trần Thu Hà say sưa giảng bài cho các em học sinh. Nhìn các em hăng hái phát biểu và tương tác với giáo viên, rất khó để nhận ra được em nào là trẻ học hòa nhập.
Theo cô Hà: “Trong lớp học có một bạn là trẻ học hòa nhập, việc dạy các em gặp nhiều khó khăn so với các bạn cùng trang lứa. Để giúp các em học tập hiệu quả, mỗi giáo viên đều có những phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với từng em, trong đó giáo viên phải luôn quan tâm, theo sát quá trình học tập, tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các em”.
Cô Trần Thị Vân, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Thiết cho biết: “Hiện nhà trường có 6 em học sinh học hòa nhập, chủ yếu là các em khiếm khuyết về trí tuệ, có nhận thức chậm hơn so với các em học sinh bình thường nhưng vẫn có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục. Vì vậy, các em được đánh giá như những học sinh khác, nhưng có giảm nhẹ về yêu cầu kết quả học tập để khích lệ, động viên các em nỗ lực hơn.
Ngoài ra, nhà trường đã triển khai nhiều mô hình để giúp đỡ các bạn học hòa nhập, trong đó có mô hình đôi bạn cùng tiến, các bạn trong lớp sẽ giúp đỡ, kèm cặp các bạn học hòa nhập, điều này rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện cho các em hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ.
Đồng thời, đầu năm thầy cô nhà trường nhận đỡ đầu, kèm cặp cho các em học hòa nhập, giúp các em tiến bộ về cả nhận thức và kỹ năng giao tiếp xã hội”.
Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT TP Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn thành phố, khi đánh giá học sinh tham gia giáo dục hòa nhập được phân làm 2 loại, một là những học sinh khuyết tật thể nhẹ và hai là các em khuyết tật thể nặng.
Đối với các em khuyết tật thể nhẹ, thầy cô có thể đánh giá kết quả học tập nhẹ hơn. Còn các em khuyết tật thể nặng sẽ lựa chọn một số môn học phù hợp với năng lực và chỉ xem xét sự tiến bộ của học sinh, tuyệt đối không được xem là ngồi nhầm lớp đối với đối tượng học sinh này.
“Năm học 2023-2024, trường Tiểu học Bình Thuận có 1202 học sinh, trong đó có 2 lớp chuyên biệt với 23 em học sinh khuyết tật, trên cơ sở bệnh lý của từng em, giáo viên sẽ tiến hành điều chỉnh kế hoạch, phương pháp giảng dạy phù hợp” – Cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
Trải qua 5 năm dạy lớp chuyên biệt tại trường Tiểu học Bình Thuận, cô Trần Thị Hương đã chứng kiến biết bao sự đổi thay kỳ diệu của học sinh sau khi học tập tại đây.
“Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật không làm chủ được ý thức, không điều khiển được hành vi của mình còn khó gấp nhiều lần. Mỗi trẻ khuyết tật có một biểu hiện khác nhau, nên có lúc các cô phải mềm mỏng, cũng có những lúc phải nghiêm khắc.
Điều mà tôi thấy vui nhất là nhiều em khuyết tật trong lớp chuyên biệt từ không có nhận thức, không có ngôn ngữ, qua quá trình rèn luyện, dạy dỗ của thầy cô, trẻ đã có thể tự nhận biết được mặt chữ, biết đọc biển báo trên đường, biết tự chăm sóc bản thân. Đó chính là động lực khiến tôi nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, không ngừng cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, cô tâm sự.
Những khó khăn và tháo gỡ
Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 1.500 học sinh khuyết tật được học hòa nhập, trong đó, TP Tuyên Quang đông nhất với 37 em học lớp chuyên biệt, 125 em học hòa nhập tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn.
Hiện nay, việc giảng dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật trên địa bàn TP Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn, một phần là do nhận thức của cộng đồng còn có sự kỳ thị với người khuyết tật, phần khác là từ chính gia đình trẻ.
Vì nhiều lý do khác nhau, có gia đình cố tình không chấp nhận những khiếm khuyết của con em mình nên không làm hồ sơ đề nghị xác nhận khuyết tật. Chính vì vậy, các con không được hưởng chế độ, chính sách, được tiếp cận với các phương pháp hỗ trợ, can thiệp sớm.
Một khó khăn nữa là chưa có các chương trình giáo dục cụ thể cho việc dạy học sinh khuyết tật hòa nhập, cơ sở vật chất hỗ trợ chưa được đầu tư, giáo viên có trình độ đào tạo về giáo dục để thực hiện hoặc hỗ trợ giáo dục hòa nhập còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn hoặc tiêu chí để căn cứ xác định mức độ khiếm khuyết của trẻ khuyết tật để đảm bảo khả năng học tập. Vì vậy những trường hợp học sinh khuyết tật nặng hoặc có nhiều biểu hiện bất thường vẫn tham gia hòa nhập đã ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức lớp học.
Đặc biệt, trên địa bàn TP Tuyên Quang hiện chưa có trường học chuyên biệt về chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.
Theo bà Trần Hồng Lương – Trưởng phòng GD&ĐT TP Tuyên Quang, để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảng dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật, thời gian qua phòng đã thực hiện chi trả đầy đủ các chế độ chính sách đối với các em học sinh khuyết tật và giáo viên, đầu tư trang thiết bị chuyên biệt hỗ trợ các em học tập, hòa nhập.
Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục học sinh hòa nhập, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng dạy hòa nhập ở từng dạng…
Có thể nói, giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật không những giúp học sinh được hưởng quyền học tập bình đẳng, mà còn là cơ hội để các em có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân, tiếp cận môi trường xã hội để tham gia hoạt động phong trào, giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.