Hội thảo thường niên về khoa học giáo dục năm 2023

Ngày 6/12, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) tổ chức Hội thảo thường niên về khoa học giáo dục với chủ đề “Phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), lãnh đạo Viện KHGDVN; các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện KHGDVN Lê Anh Vinh thông tin: Với chủ đề “Phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” Viện KHGDVN đã nhận được hơn 500 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học. Điều đó cho thấy, phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực của người học luôn là mối quan tâm lớn đối với ngành giáo dục, đặc biệt là trong thời điểm đổi mới giáo dục như hiện nay.

Tại hội thảo, những vấn đề quan trọng về phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học như các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực ở cấp tiểu học; chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh theo Chương trình GDPT 2018; đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật trong bối cảnh giáo dục 4.0; giáo dục năng khiếu và việc đánh giá học sinh năng khiếu…

Chia sẻ về chuẩn đánh giáo năng lực, phẩm chất của học sinh theo chương trình GDPT 2018, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện KHGDVN cho biết: Chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất là những gì học sinh cần phải biết và có thể làm được sau khi kết thúc ở mỗi cấp lớp, độ tuổi, giai đoạn học tập; bao gồm các mức độ thể hiện các trình độ đạt được khác nhau của học sinh. Xây dựng chuẩn đánh giá một năng lực phẩm chất cụ thể là quá trình xác định cấu trúc của năng lực, phẩm chất đó, đồng thời đi xác định các chỉ số đo lường và các tiêu chí chất lượng cho mỗi tiêu chí đó. Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, việc tham gia của giáo viên vào xây dựng, thực hiện chuẩn trong bối cảnh cụ thể của giáo dục có tính chất quyết định.

Viện trưởng Viện KHGDVN Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo

Bàn về nhận thức của giáo viên đối với phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, TS Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, Viện KHGDVN cho rằng: Hầu hết giáo viên hiện nay nhận thức được lợi ích khi sử dụng các phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực tạo cơ hội học sinh sáng tạo, chủ động và có khả năng giải quyết vấn đề thực tế; giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng sử dụng công nghệ thông tin… Đa số giáo viên đều nhận ra những đặc trưng cơ bản của phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.

Theo TS Nguyễn Thị Kiều Oanh, mặc dù đội ngũ giáo viên đã nhận thức khá đầy đủ về vai trò, lợi ích cũng như cách thức sử dụng phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhưng qua phỏng vấn, vẫn còn nhiều giáo viên chưa thực sự sẵn sàng đổi mới. Nguyên nhân do ngại thay đổi, sợ mất thời gian, công sức.

Các đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên nhận thức chưa đầy đủ về dạy học phát triển phẩm chất, năng lực nên trong quá trình dạy học chưa chú ý tới việc dạy cho học sinh cách học, tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên mà vẫn theo thói quen truyền thụ kiến thức.

Tại phiên thảo luận bàn tròn, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Sở GDĐT, viện nghiên cứu bàn luận, trao đổi trực tiếp, thông tin về các vấn đề liên quan đến phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học như tổ chức thi, đánh giá năng lực học sinh ở các cấp học; xây dựng chuẩn đánh giá, năng lực phẩm chất học sinh; đội ngũ giáo viên…