Ngày 14/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của 100 đại biểu trực tiếp là các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chuyên gia, các thầy giáo cô giáo, đại diện cha mẹ học sinh và các em học sinh.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo là diễn đàn để các em học sinh chia sẻ, thảo luận và đề xuất giải pháp với các nhà quản lý giáo dục và giáo viên về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các bộ ngành, tổ chức xã hội, và các đối tượng có liên quan bao gồm phụ huynh học sinh để đảm bảo rằng các chính sách và biện pháp được thực hiện một cách hiệu quả và toàn diện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và việc giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh, sinh viên đã rất được quan tâm trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Khi nói về vấn đề sức khỏe tâm thần, chúng ta đã làm được rất nhiều điều, từ góc độ vĩ mô là các chính sách, đến thực tiễn triển khai của nhà trường là chương trình giảng dạy, các hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên qua các khảo sát, đánh giá của các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, có thể thấy vấn đề sức khỏe tâm thần đang có xu hướng gia tăng.
Theo ông Vinh, trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế – xã hội và khả năng tiếp cận thông tin thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và Internet, lối sống và hành vi sức khỏe của thanh thiếu niên Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, việc tiếp cận thông tin không rõ nguồn gốc và động cơ đang có xu hướng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên ngày nay.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Trong năm 2022-2023, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên, bao gồm nghiên cứu thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường, xây dựng nội dung về sức khỏe tâm thần trên nền tảng weshare.vnies.edu và tổ chức cuộc thi Weshare – hiểu biết về sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên.
“Chúng tôi chọn tên dự án là We share. We share có nghĩa là cùng chia sẻ và chia sẻ từ góc nhìn của chúng ta, chia sẻ về câu chuyện của chúng ta, chia sẻ về trải nghiệm của chúng ta. Áp lực của tuổi trẻ trong thời đại mới, vẫn còn những định kiến của xã hội về sức khỏe tâm thần và chúng ta cần phải lan tỏa những nhận thức đúng đắn”, Viện trưởng Lê Anh Vinh cho biết.
Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lê Anh Lan, Chuyên gia Giáo dục cho rằng: để nâng cao hiệu quả sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, cần thay đổi cách hiểu và gỡ bỏ định kiến về vấn đề sức khỏe tâm thần.
Các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ những quan điểm, giải pháp về sức khỏe tâm thần
Với 2 phiên thảo luận: Thực trạng, thách thức trong chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường; Xây dựng tương lai – Chính sách và hành động, hội thảo ghi nhận nhiều chia sẻ, quan điểm, giải pháp của các em học sinh, các thầy cô giáo, cũng như các chuyên gia giáo dục, các nhà hoạch định chính sách về việc cấp thiết cần hành động vì sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong đó, việc xây dựng một môi trường lành mạnh với sự chung tay hàng ngày, hàng giờ của gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp các em được lắng nghe nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, góp phần xóa bỏ định kiến về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.