Ngày 19/12, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GDĐT, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ trên cả nước.
Nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao vị thế quốc gia
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc nhận định: Trong 10 năm trở lại đây, một trong các kết quả nổi bật của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là số lượng công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ, thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực khoa học và công nghệ của quốc gia.
Quang cảnh hội thảo
Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 Châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus. Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2022 xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xếp thứ 4 trong Đông Nam Á và xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ).
“Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công bố quốc tế trong những năm gần đây, bên cạnh những đóng góp tích cực như đã nêu cũng đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết đối với các nhà quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ cũng như cộng đồng và cá nhân các nhà khoa học, trong đó nổi lên các tranh luận về liêm chính trong nghiên cứu khoa học”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu vấn đề; đồng thời cho biết: Hội thảo là diễn đàn thảo luận đa chiều từ các nhà khoa học, các chuyên gia, các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà quản lý, để cùng chia sẻ góc nhìn, nhận định, đánh giá về vị trí, vai trò của liêm chính trong nghiên cứu, các vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay và các công việc cần triển khai thực hiện nhằm giúp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển về chất lượng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng với cộng đồng khoa học thế giới trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu đề dẫn tại hội thảo
Về vấn đề liêm chính nghiên cứu, Thứ trưởng cho hay: Trong năm 2022 Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đã giao cho các cơ sở giáo dục đại học chủ động ban hành quy định và tự chịu trách nhiệm về liêm chính học thuật đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị mình theo 2 nội dung: Ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế; ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Sau thời gian triển khai Nghị định, Bộ GDĐT mong muốn lắng nghe kết quả triển khai tại các cơ sở giáo dục đại học về nội dung liêm chính học thuật, các kinh nghiệm tốt, cách làm hay, các vấn đề cần quan tâm tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Việt Nam không phải là “hoang mạc” về liêm chính khoa học
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các nhà khoa học xung quanh thực trạng, kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện liêm chính trong nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì phần thào luận
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN nêu quan điểm:Việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết phải bàn để đưa ra một khung và hoàn thiện dần dần. Mục đích liêm chính là cần hướng tới sự lành mạnh, trước hết con người cần ý thức được liêm chính trong đạo đức, hành vi của mình. Bên cạnh đó cũng cần tránh việc lợi dụng liêm chính để làm tổn thương các nhà khoa học.
“Mong qua hội thảo này sẽ có một chỉ đạo để tất cả các trường phải chủ động, có công cụ quản lý để kiểm soát, tạo cơ chế lành mạnh trong khoa học”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bày tỏ.
Cũng đề cập tới một bộ quy tắc chung về liêm chính nghiên cứu, TS Nguyễn Xuân Hùng, giảng viên Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh mong muốn sẽ có một bộ quy quy tắc chung, để từ đó các trường chiếu vào xây dựng bộ quy tắc riêng. Cùng với đó là cơ chế hậu kiểm và một chế tài xử lý.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học trao đổi tại hội thảo
Theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học,Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học, chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, thể hiện trong nghị định, thể hiện theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, của Bộ GDĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí; chỉ có điều là chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung. “Điều này là bắt buộc trong việc xây dựng một bộ tiêu chí hay một quy định chung cho quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhận định.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông cũng chia sẻ, những thứ mà các nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ, từ đó tìm ra chân lý, giá trị của bản thân. Và nếu như không bảo vệ được điều đó thì sẽ không còn khoa học và không có đào tạo.
GS.TS Lê Quốc Hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân trao đổi tại hội thảo
“Cần hình thành thiết chế, nền tảng pháp luật, gắn với nền tảng văn hóa và giáo dục. Cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ nhà nước.”, là quan điểm của GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ góc độ quan tâm tới việc phát triển hệ thống các tạp chí khoa học trong nước và hình thành cơ sở dữ liệu về nghiên cứu khoa học, GS.TS Lê Quốc Hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Việt Nam cần phát triển mạnh các tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần tạo ra cơ sở dữ liệu là tiền đề cho hệ thống trích dẫn dữ liệu quốc gia.
Tạo ra môi trường khoa học, công nghệ lành mạnh
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng; những phản ánh của các nhà khoa học, truyền thông về vấn đề liêm chính khoa học những năm qua cho thấy, đã đến lúc phải quan tâm lắng nghe.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái phát biểu kết luận hội thảo
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, liêm chính là khái niệm “mở”, nhưng phải có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện. Liêm chính động chạm đến đội ngũ tri thức, đội ngũ nhà giáo, do đó khi chưa có điều tra, minh chứng thì chưa được nêu tên, làm ảnh hưởng đến từng nhà khoa học, tập thể khoa học.
Đề xuất một số việc cần làm trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, việc cần làm ngay là các đơn vị quản lý nhà nước khẩn trương nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn, đôn đốc để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính.
Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu tiêu chí giám sát các tạp chí…, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu để sớm có cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí giám sát các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Thứ trưởng cũng cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được xem xét để lồng ghép vào các điều khoản khi thay đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
“Hai Bộ cùng nhau nhận thấy đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc về liêm chính và công bố. Cố gắng tạo ra môi trường khoa học, công nghệ lành mạnh. Hội thảo hôm nay là khởi đầu để hai Bộ cam kết đồng hành với các nhà khoa học và các cơ quan truyền thông hướng tới nền giáo dục, khoa học tốt hơn, mang lại hạnh phúc nhiều hơn”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói, đồng thời chia sẻ: “Cố gắng ứng xử với liêm chính có văn hoá, văn minh, bởi chúng ta đang ứng xử với các nhà khoa học, nhà giáo”.