‘Mồng Ba Tết thầy’ trong mắt Gen Z

GD&TĐ – Hình dung về người thầy trong câu nói “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” của Gen Z không khác nhiều so với thế hệ trước đây…

PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn tặng quà trong Chương trình “Chuyến xe Đoàn viên” hỗ trợ sinh viên khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: SGU

PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn tặng quà trong Chương trình “Chuyến xe Đoàn viên” hỗ trợ sinh viên khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: SGU

Không chờ đến Tết mới tri ân thầy cô

Sinh năm 1998, Lưu Ngọc Quỳnh Khôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ngành Quản lý xây dựng thuộc Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) vào tháng 7/2023. Chàng thạc sĩ Gen Z sở hữu “gia tài” đáng nể là 8 bài báo quốc tế sau 1,5 năm học cao học. Khôi hiện công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở TPHCM.

Theo cách hiểu của Khôi, câu nói “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy” là trong ba ngày Tết sẽ có ba người mà mỗi người không thể nào được quên: Cha, mẹ và thầy. Câu nói ý nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục và dạy bảo. Mở rộng ý nghĩa, Tết cha sẽ là ngày mỗi người chúc Tết bên nội, Tết mẹ sẽ là ngày đi thăm, chúc Tết bên ngoại. “Ngoài sự dạy dỗ trong gia đình, thì việc học hỏi ngoài xã hội quan trọng không kém. Sẽ có rất nhiều mối quan hệ khác nhau, trong đó đặc biệt nhất là quan hệ thầy – trò, nên mới có ‘Mồng Ba Tết thầy’. Hay còn được hiểu là tôn sư trọng đạo, thể hiện được nét đẹp cổ điển và ý nghĩa”, ThS Khôi nói.

Người xưa quan niệm: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (hiểu là: Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Vì vậy, việc học trước hết là để làm người, phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người. Để có thể học làm người thì vai trò người thầy luôn chiếm vị trí rất quan trọng.

Theo ThS Khôi, những người biết ơn thầy, cô giáo sẽ là những người sống tốt với xã hội, có trách nhiệm với thế hệ sau. “Thật ra, Tết thầy là đúng nghĩa ở cái tình, chứ không phải là nhiệm vụ nên việc thăm chúc, mừng tuổi chính là cơ hội để trao đổi và trò chuyện để ôn lại các kỷ niệm xưa của thầy – trò. Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc; muôn hoa đua nở, là biểu tượng cho hạnh phúc, phước lành. Trong tiết trời Xuân thường ấm áp. Mọi người thường cầu chúc về những điều tốt đẹp”, anh quan niệm.

Thầy cô Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2023 do học sinh tổ chức. Ảnh: Đoàn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Thầy cô Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) tham gia các hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2023 do học sinh tổ chức. Ảnh: Đoàn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Còn với Nguyễn Đình Khải, sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM), câu nói “Mồng Ba Tết thầy” cho thấy hoạt động gặp gỡ, chúc Tết thầy cô là rất ý nghĩa, chỉ xếp sau Tết cha và Tết mẹ. “Nó cho thấy rằng từ bao đời nay, dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi nhớ công lao của những người dạy bảo ta, đặc biệt là thầy cô – người đã truyền cho chúng ta những con chữ đầu đời”, Khải nói.

Với Gen Z, biểu hiện lòng biết ơn thầy cô của mình cũng rất phóng khoáng và thoải mái. Khải cho biết, người trẻ thế hệ Gen Z thường xem thầy cô cũng như “người bạn” của mình, nên sẽ có những buổi hẹn thầy cô cùng đi ăn, uống nước và đi chơi. Sẽ có vô vàn những khoảnh khắc thể hiện sự biết ơn đối với thầy cô và cũng bằng nhiều cách khác nhau, không bị bó buộc nhất thiết là vào các ngày lễ truyền thống như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, “mùng Ba Tết thầy”…

Quỳnh Khôi cũng có quan niệm tương tự khi cho rằng, học sinh, sinh viên, thậm chí học viên sau đại học ngày nay không phải chỉ đợi đến các dịp lễ quan trọng mới biểu hiện lòng biết ơn thầy cô. Bởi theo Khôi, người thầy đã truyền lửa, dạy học trò thành người nên việc đáp ơn, đáp nghĩa cũng chính là biểu hiện của lòng biết ơn, như lời người xưa căn dặn: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”.

“Khi có những vấn đề khó, em luôn chia sẻ và thầy cô luôn tạo ra những hướng đi mở cho em có nhiều sự lựa chọn, vì những kiến thức đó thầy cô đã trải qua rất nhiều và là người đi trước nên việc truyền tải lại sẽ là cơ hội để chúng ta có thể lường trước được các sự việc mang tính rủi ro trong cuộc sống”, Khôi nói.

ThS Lưu Ngọc Quỳnh Khôi (bên trái) cùng PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn - giảng viên hướng dẫn cao học của mình. Ảnh: NVCC

ThS Lưu Ngọc Quỳnh Khôi (bên trái) cùng PGS.TS Phạm Vũ Hồng Sơn – giảng viên hướng dẫn cao học của mình. Ảnh: NVCC

Cân bằng giữa truyền thống và hiện đại

Chân dung của người thầy trong mắt Gen Z, về cơ bản, cũng như những thế hệ trước đó thời 9X, 8X. Người thầy vẫn luôn là “người trồng cây”, “người lái đò”, giữ một vị trí thiêng liêng mỗi khi họ nhắc, nhớ đến. Song, quan niệm và phác họa người thầy với Gen Z thực tế hơn thế hệ trước, mang “hơi thở cuộc sống”, thời đại công nghệ.

Với ThS Lưu Ngọc Quỳnh Khôi, mỗi người thầy, từ mái trường mầm non đến mãi sau này là bậc cao học, đều đem lại vô vàn kiến thức bổ ích, giúp anh hiểu biết, phát triển và trưởng thành. Theo đó, một người thầy lý tưởng không chỉ là người dạy giỏi, mà còn là người truyền cảm hứng, nâng cánh những ước mơ của học trò bay xa hơn nữa.

Ngoài ra, người thầy còn giúp việc mở rộng tư duy, sự sáng tạo và nâng cao “kiến thức mềm” cho học trò, giúp họ ứng phó trong mọi tình huống, tránh được những vấp ngã trong đời sống và công việc. Đó là những điều mà công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo sẽ không bao giờ làm thay thế được người thầy. “Việc trao đi sự yêu thương, tình cảm và sự sẻ chia tới các người thầy là điều rất quan trọng, tiếp thêm động lực và sự yêu nghề cho mỗi người khi xây dựng trồng người”, Khôi nói.

Nhớ lại ký ức khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khôi khẳng định: “Những năm THPT có lẽ là giai đoạn không thể nào quên bởi có những sự kiện mang tính thay đổi cuộc đời em”. Năm đó, Khôi lười nhác trong việc học tập và khá “quậy” trong lớp. Khi lên lớp 12, Khôi được xếp vào lớp “bét khối”. “Thế nhưng, cô giáo chủ nhiệm năm ấy đã dành thời gian ngồi tâm sự, chia sẻ và nhắn nhủ với em đủ điều, truyền cảm hứng mạnh mẽ để em cố gắng phấn đấu đến bây giờ. Mọi điều năm ấy cô dặn, em đều ghi nhớ và chấn chỉnh bản thân mình để trở thành một người có ích cho xã hội và không làm phụ lòng thầy cô và cha mẹ”, Khôi kể.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Nguyễn Đình Khải về người thầy là đợt tham gia cuộc thi Trại hè phương Nam ở tỉnh Long An, khi cậu còn là học sinh lớp 10. Ngày bế mạc trao giải, Khải đã khóc rất nhiều vì biết mình không đoạt bất cứ giải nào.

Ngay sau khi biết tin cậu học trò “trắng tay”, cô giáo đã đến động viên em rất nhiều. “Thấy em khóc, cô cũng bật khóc theo và nói rằng: Không sao cả, hành trình phía trước của em còn rất dài, không có gì phải buồn, em đã cố gắng hết sức rồi”. Câu nói này đã truyền cho Khải nhiều động lực hơn để tiếp tục theo đuổi môn Ngữ văn và cũng giúp em luôn cố gắng hết mình trong mọi hoàn cảnh. Kể từ đó, Khải xem cô giáo như một người thân của mình.

Nguyễn Đình Khải cũng chung quan điểm, chân dung về người thầy trong mắt Gen Z không quá khác biệt so với các thế hệ trước. Thầy cô vẫn sẽ luôn là những người truyền đạt tri thức, không chỉ kiến thức sách giáo khoa, mà còn là về cuộc sống. Khải cho rằng, trong mắt Gen Z, thầy cô chính là những người biết cân bằng giữa yếu tố truyền thống và hiện đại cũng như nắm bắt tinh thần của thế hệ “người học” trẻ.