(LĐTĐ) Năm 2024, có 3 trường học đại diện cho ba cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh, gồm: Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa), Trường Trung học cơ sở Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) và Trường Trung học phổ thông Minh Phú (huyện Sóc Sơn).
Từ tháng 2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học trong việc hỗ trợ, bảo vệ học sinh. Thời gian triển khai thí điểm trong 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8/2024) tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa.
Việc thí điểm nhằm hướng dẫn các đơn vị, nhà trường tổ chức hoạt động này một cách thuận lợi; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học tại các cơ sở giáo dục, từ đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ học sinh trong nhà trường.
Năm 2024, có 3 trường học đại diện cho ba cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đăng ký thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh. 3 trường học đại diện cho ba cấp học trên địa bàn Thành phố áp dụng thí điểm gồm: Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa), Trường Trung học cơ sở Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) và Trường Trung học phổ thông Minh Phú (huyện Sóc Sơn).
Theo kế hoạch, mô hình thí điểm sẽ thực hiện các nội dung: Hướng dẫn tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, phù hợp thực tiễn tại các địa phương; tổ chức tập huấn chuyên môn cho các trường triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý.
Thực tế, mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh đã được triển khai tại các địa phương từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc.Tại Hà Nội, việc tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý hiện đã được các nhà trường coi trọng hơn. Nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn Thành phố đã dành nguồn kinh phí lớn để tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cũng như cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đồng thời bố trí chuyên gia làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, với các trường công lập, hoạt động này còn chưa được duy trì thường xuyên và hiệu quả chưa được như mong muốn. |
Trong quá trình triển khai thí điểm vận hành mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các trường học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị; khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm; đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục.
Đến tháng 6/2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học, từ đó nâng cao năng lực, hiệu quả hỗ trợ, bảo vệ học sinh; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội, tư vấn tâm lý giữa các cơ sở giáo dục thí điểm.
Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm, đánh giá và báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục để làm căn cứ nhân rộng mô hình trong những năm học tiếp theo.