Trong 2 ngày (9-10/4), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tập huấn thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học.
Tham dự tập huấn có đại diện cán bộ, giáo viên cốt cán thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hòa Bình và Hà Giang.
Đại biểu dự tập huấn
Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh. Hiện nay, ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường, học sinh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng chống tệ nạn xã hội… Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong các nhà trường cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa.
Hằng năm, Bộ GDĐT luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Cùng với đó là phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện hội thảo, tập huấn, khảo sát, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông cho công tác này.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt phát biểu tại hội nghị
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ, Vụ trưởng Trần Văn Đạt cho rằng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của giáo viên, cán bộ cốt cán thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường có vai trò quyết định và cần phải được nâng cao. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Vụ trưởng Trần Văn Đạt mong muốn các cán bộ, giáo viên tham gia đợt tập huấn với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, tiếp thu, cầu thị nắm bắt những kiến thức, giải pháp, kỹ năng cần thiết được truyền thụ từ các giảng viên, chuyên gia tập huấn nhằm mục đích áp dụng thực hiện phù hợp, hiệu quả tại cơ sở giáo dục của mình.
Dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học được hiểu là một hoạt động chuyên nghiệp của nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học thực hiện các công việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh và các đối tượng liên quan thông qua các hình thức phòng ngừa, tư vấn tâm lý hoặc kết nối, chuyển gửi can thiệp, trị liệu. Mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học là hình thức tổ chức, triển khai các dịch vụ tư vấn tâm lý trong nhà trường. Mô hình này mô tả cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động, tài chính của tổ tư vấn tâm lý trong việc tổ chức, triển khai cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý cho học sinh và các đối tượng liên quan.
Giám đốc điều hành, tổ chức GNI tại Việt Nam Đào Thiên Lý chia sẻ tại hội nghị
Tại buổi tập huấn, Giám đốc điều hành, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam Đào Thiên Lý chia sẻ: Năm 2022, GNI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GDĐT Việt Nam về việc triển khai, thực hiện dự án “Phát triển Công tác xã hội và Tư vấn tâm lý trong trường học giai đoạn 2022 – 2024”. Chương trình Tập huấn thí điểm mô hình và học tập kinh nghiệm về công tác xã hội, tư vấn tâm lý trường học lần này thuộc khuôn khổ dự án hợp tác giữa GNI và Bộ GDĐT.
Đợt tập huấn diễn ra trong hai ngày với nội dung chính là tập huấn thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học và tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện mô hình tại một số cơ sở giáo dục, tổ chức, viện nghiên cứu.
Chuyên gia trao đổi tại buổi tập huấn
Nội dung buổi tập huấn thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tập trung vào các vấn đề chung về mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tâm lý trong trường học; mô tả mô hình và hướng dẫn tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học.
Tại buổi tập huấn, đội ngũ quản lý, giáo viên thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học đã tham gia trao đổi, thảo luận, tiếp thu kiến thức, nêu băn khoăn xung quanh các vấn đề tổ chức hoạt động, quy trình thực hiện, lựa chọn mô hình phù hợp, nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính…