GD&TĐ – Thời gian này, các sĩ tử rất cần sự đồng hành từ phía thầy cô và phụ huynh để vững vàng về mặt tâm lý cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang tới gần.
Chưa đầy một tháng nữa, học sinh lớp 9 tại Hà Nội sẽ chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: Đình Tuệ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại Hà Nội đang đến rất gần. Giai đoạn này, thầy trò các trường THCS đang tốc lực ôn tập, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Sẵn sàng các phương án
Đỗ Thị Huế – học sinh lớp 9A7, Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Hoài Đức B; hai nguyện vọng còn lại là THPT Hoài Đức C và THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai). Để đạt mục tiêu trên, em đã vạch kế hoạch ôn tập rõ ràng cũng như rèn kỹ các dạng đề ở 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Các thí sinh chỉ còn cách kỳ thi chưa đầy 3 tuần nữa.
“Theo cấu trúc đề minh họa do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, em đã làm thử và tự chấm. Môn Ngữ văn được khoảng 8 điểm; Tiếng Anh được 9,25 điểm và Toán 9 điểm. Em đang nỗ lực nhằm hướng tới thang điểm tổng ba môn đạt trên 40 điểm để có thể tự tin chinh phục nguyện vọng 1 vào THPT Hoài Đức B”, Huế tâm sự.
Đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ), Vũ Quốc Bảo – học sinh lớp 9A5 của Trường THCS Đông La cho biết, đây là lựa chọn an toàn vì phù hợp với sức học của mình.
Về môn Tiếng Anh, em sẽ tiếp tục ôn thật chắc phần ngữ pháp và mở rộng vốn từ, cấu trúc câu. Bảo cũng hệ thống lại toàn bộ kiến thức của hai môn còn lại nhằm củng cố kỹ năng làm bài. Trên lớp, các em chú ý nghe giảng và cùng thầy cô, các bạn luyện đề.
Nguyễn Ngọc Tuấn Kiệt – học sinh Trường THCS Giáp Bát.
Là chủ nhân của giải Nhì của Kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn Vật lý năm học 2023-2024, Nguyễn Ngọc Tuấn Kiệt đến từ Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đăng ký vào Trường THPT Kim Liên (hệ thường); hệ chuyên là Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ và Trường THPT chuyên Sư phạm.
Thời gian này, Kiệt và các bạn đang tận dụng mọi thời gian trong ngày để ôn tập, củng cố kiến thức, giảm thời lượng cho các sở thích cá nhân như chơi game và đá bóng.
Đỗ Hoàng Minh – học sinh lớp 9A1, Trường THCS Giáp Bát có sở trường về Tiếng Anh khi em vừa giành giải Nhì môn này tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, em đặt nguyện vọng vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) và Trường THPT Trần Nhân Tông.
Phạm Hoàng Yến, học sinh Trường THCS Giáp Bát.
Tương tự, nữ sinh Phạm Hoàng Yến tập trung ôn Ngữ văn vào buổi tối vì sẽ dễ tiếp thu hơn, buổi sáng sẽ học Toán và Tiếng Anh. Các ngày nghỉ như Chủ nhật em sẽ ôn thêm môn Tiếng Anh. Ngoài ra, Yến cũng thường xuyên đọc báo, xem TV để nắm bắt được những vấn đề thời sự, củng cố kiến thức xã hội cho mình.
Đề minh họa của Sở GD&ĐT công bố có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi độ tư duy của thí sinh. Tự làm và chấm, mỗi môn em đạt từ 8,5 điểm trở lên. Hi vọng với thời gian còn lại, em sẽ tiếp tục ôn tập thật tốt để có thể đủ điểm đỗ vào lớp 10 trường công lập.
Thầy cô cần tạo động lực cho trò
Cô Đỗ Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Giáp Bát.
Cô Đỗ Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ, nhà trường thường xuyên quán triệt tới các giáo viên về công tác ôn tập cho học sinh. Trong đó, thầy cô cần tạo động lực để các em vượt qua áp lực tâm lý trước kỳ thi.
Đồng thời, cha mẹ học sinh cũng phối hợp chặt chẽ với nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho các em ôn thi cũng như lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân.
Thầy Trần Đăng Lực – Hiệu trưởng Trường THCS Đông La.
Đồng quan điểm trên, thầy Trần Đăng Lực – Hiệu trưởng Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) cũng nhấn mạnh, công tác ôn tập cũng như định hướng, phân luồng cho học sinh lớp 9 được nhà trường thực hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT Hoài Đức. Mục tiêu nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, sự đồng thuận trong phụ huynh.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, cô Dương Thị Bích Hạnh, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Giáp Bát – quận Hoàng Mai nhấn mạnh: Thời điểm này thầy cô không nên tạo áp lực mà phải tạo động lực học tập cho học trò. Trong quá trình học, giáo viên cần có giải pháp để học sinh yêu thích môn Văn, từ đó tự viết được một đoạn văn.
Một giờ ôn tập môn Ngữ văn của học sinh Trường THCS Giáp Bát, quận Hoàng Mai.
Một trong các phương pháp được cô Hạnh áp dụng để học sinh cảm thấy không “sợ” môn Ngữ văn đó là chia nhỏ vấn đề về một tác phẩm. Ví dụ, tác phẩm “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt, cô giảng thật kỹ và chẻ nhỏ từng khổ, từng hình ảnh, chi tiết nhỏ để các em hiểu được nội dung và vẻ đẹp nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm.
Ở môn Toán, thầy Đỗ Văn Trọng – giáo viên Trường THCS Đông La (Hoài Đức) cho rằng, ngoài hệ thống hóa kiến thức đã học và luyện đề, thầy giáo cũng hướng dẫn các em học tốt hỗ trợ các bạn học yếu hơn theo dạng học nhóm để củng cố kiến thức ngay ở trên lớp. Thầy Trọng cũng lưu ý học sinh về cách trình bày khi làm bài, tránh bị mất điểm.
Thầy Đỗ Văn Trọng và học trò cùng luyện và chữa đề Toán ngay trên lớp học.
Theo cô Lê Thị Oanh – Tổ trưởng tổ năng khiếu, giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Đông La, giáo viên cần chia các em theo trình độ và cho ôn tập cả online trên trang Hanoi – Study của Sở GD&ĐT Hà Nội. Các em sẽ luyện đề và được chấm trực tiếp bằng phần mềm trắc nghiệm.
Cô Oanh cũng lưu ý, thời gian còn lại trước khi thi, chủ yếu luyện các dạng đề tương tự nhau để học sinh so sánh. Cho học sinh học nhóm từ 3 – 4 người trực tiếp dưới sự quản lý của cô giáo ở các buổi nghỉ cuối tuần hay giờ truy bài. Cô giáo động viên các em bằng phần thưởng như bút chì để tô trắc nghiệm.
Dự kiến, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 110.000 học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. Thời điểm hiện tại, các thí sinh đã hoàn thành khâu đăng ký dự thi để sẵn sàng bước vào giai đoạn ôn tập ‘nước rút’ cho kỳ thi quan trọng này. Kỳ thi sẽ được diễn ra trong các ngày 8 và 9/6 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.